Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn trở về sau “12 ngày của Lòng Thương Xót”


Sáng nay, ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn đã về tới TP.HCM, kết thúc chuyến đi Mỹ khởi hành từ chiều thứ bảy 10-4-2010.

Cách đây 12 ngày, nhận lời mời của Toà Giám mục Los Angeles (LA.), đặc biệt là lời mời tha thiết của Đức Hồng Y Mahony, nhằm thắt chặt mối liên hệ kết nghĩa giữa hai giáo phận LA. và TP.HCM, ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn đã lên đường đi California, nước Mỹ. Tháp tùng ĐHY GB. có linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân.

Vào lúc 2g chiều Chúa nhật 11-4-2010, cùng với hai ĐGM phụ tá giáo phận LA. đồng tế, ĐHY đã chủ sự Thánh lễ tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót tại Đại học Long Beach. Nối tiếp Thánh lễ là Giờ Chầu Thánh Thể của Lòng Thương Xót. Tham dự Thánh lễ và Giờ Thánh có khoảng 6.500 giáo dân Việt Nam, cùng một số người nước khác.

ĐHY TRỞ VỀ SAU "12 NGÀY CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT"

ĐHY TRỞ VỀ SAU "12 NGÀY CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT"

Sau đó ĐHY đi thăm một nhà trọ của các chủng sinh Việt Nam ở LA., và thăm chủng viện Patrick, nơi có khoảng gần 20 chủng sinh Việt Nam đang tu học.

Tiếp theo, ĐHY đi Washinton DC. thăm một số bạn bè và học trò. Ngài cũng chủ sự một thánh lễ hôn phối có đông người Việt Nam tham dự.

ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, vào lúc 10g20 sáng nay, thứ năm 22-4-2010, bình an và khoẻ mạnh.


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

ĐHY Phạm Minh Mẫn : Suy niệm thứ Sáu Tuần Thánh và Đêm Vọng Phục Sinh


Tình yêu biến sự cố thành cơ hội

Tình yêu biến sự cố thành cơ hội

1. Trong hành trình loan Tin Mừng, Chúa Giêsu công bố mình là Đường. Cuộc đời và công trình cứu độ của Chúa Giêsu cho phép chúng ta đặt tên Đường Giêsu là Đường Tình Yêu Cứu Độ. Theo ý định của Chúa Cha và dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Con Chúa làm người đã thể hiện Tình Yêu Cứu Độ qua bốn nét đặc trưng này : một là Hội nhập, hai là Dấn thân, ba là Hy sinh, bốn là Đổi mới.

2. Tường thuật về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu diễn tả đặc tính hy sinh của tình yêu cứu độ, đồng thời kể lại những điều kỳ diệu mà tình yêu của Ngài đã thực hiện cho người thân cũng như kẻ thù ghét mình. Cuộc thương khó của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng những sự cố, như Giuđa bán Thầy, Phêrô chối Chúa, đám người ghét Chúa cáo gian và kết án Ngài, quan án nhận thấy lời cáo buộc của đám dân là vô căn cứ mà vẫn tuyên án cách bất công.

Trước những sự cố đó, Chúa Giêsu đã ứng xử như thế nào? Khi Phêrô sắm gươm để đối đầu với những âm mưu hảm hại Thầy mình, Chúa nói với Phêrô rằng Ngài có thể xin Chúa Cha sai đạo binh thiên quốc xuống triệt hạ những kẻ ác tâm, không cần đến gươm giáo của Phêrô. Thế nhưng Chúa Giêsu không làm như vậy, Ngài hành động theo ý Cha trên trời là từ bi, hỷ xả, bao dung và đón nhận mọi người tội lỗi, cả tên tử tội cùng kẻ hãm hại Ngài. Và thái độ của lòng bao dung vô biên của Chúa Giêsu đã thay đổi cách kỳ diệu lòng dạ, tâm trí và đời sống con người : Phêrô thì thống hối, viên sĩ quan trưởng đại đội hành hình Chúa Giêsu thì cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa, tên tử tội cùng đám dân chứng kiến việc thi hành án tử thì tỏ ra hối tiếc, bắt đầu thay đổi lòng dạ và tin theo Chúa Giêsu.

Tình yêu cứu độ của Chúa có năng lực biến sự cố trong cuộc sống nhân loại, thành cơ hội loan Tin Mừng cứu độ và phục vụ cho sự sống mới của mọi người.

3. Người quyết tâm bước đi trên con đường tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu, ngày càng sẽ tăng thêm lòng tin đối với Ngài, ngày càng đi sâu vào chân lý và tình thương cứu độ của Ngài. Niềm tin đó tạo điều kiện cho tình yêu của Chúa Cứu Độ từng bước đổi mới bản thân, gia đình, và cộng đoàn, vì sự sống toàn diện và sự phát triển vững bền của mọi người.

4. Niềm tin vào Tình yêu cứu độ của Chúa Phục Sinh, mời gọi mỗi người chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, lúc yên hàn cũng như trong gian lao thử thách, hãy trung thành tiến bước trên con đường tình yêu của Ngài. Trong Mùa Phục Sinh này, xin Chúa thương ban ơn giúp sức củng cố niềm tin của anh chị em. Xin anh chị em hãy cầu cho tôi cũng được như vậy.

Chúa Nhật Chúa Phục Sinh 4.4.2010

Niềm tin vào Chúa Phục Sinh

Ga 20,1-9: Các Tông đồ, sau 3 năm theo Chúa, sống với Chúa, nghe Lời Chúa dạy, thấy việc Chúa làm, và sau khi nghe sứ thần báo Chúa đã phục sinh, cùng chứng kiến ngôi mộ trống với khăn liệm Chúa được xếp lại ngăn nắp, là những người đầu tiên làm chứng rằng Lời Chúa loan báo “từ cõi chết Người sẽ phục sinh”, nay đã thành hiện thực. Lời chứng đó cũng là lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Phục Sinh.

CV 10, 34. 37-43: Phêrô, đã được Chúa đặt làm Trưởng Nhóm Mười Hai, là người đầu tiên loan Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho cộng đồng dân tộc của ông, và chia sẻ cho họ niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Niềm tin này, qua thời gian 20 thế kỷ nay, đã lan rộng khắp năm châu. Ngày nay hằng tỷ người trên trái đất này cùng chia sẻ và sống niềm tin vào Chúa Phục Sinh.

Col 3, 1-4: Niềm tin vào Chúa Phục Sinh mời gọi các tín hữu cùng với Người hướng về “Trời mới Đất mới”, cùng với Giáo Hội của Người hôm nay dấn thân phục vụ cho sự phát triển toàn diện của con người, cùng nhau kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho thế giới hôm nay.

Câu chuyện phim về niềm tin vào Chúa Phục Sinh

Vào thế kỷ trước, một nhà khảo cổ khảo sát ngôi mộ Chúa Giêsu, và công bố cho thế giới biết rằng xác Chúa Giêsu vẫn còn đó. Lời công bố đó làm cho người tín hữu nghĩ rằng niềm tin vào Chúa Phục Sinh đã trở nên ảo huyền. Và hậu quả của ý nghĩ đó là các cây thánh giá trên địa cầu đã bị triệt hạ, các thánh đường trở nên hoang vắng, các nhà truyền đạo từ vùng rừng sâu nước độc cho đến đô thị đều rời bỏ nhiệm sở trở về nhà, như hai môn đệ làng Êmau, sau cuộc tử nạn của Chúa, đã trở về quê.

Thế nhưng, khi nằm liệt trên giường bệnh với lương tâm bức rức, nhà khảo cổ đó xác minh cho thế giới biết rằng lời công bố của ông trước kia là lời nói dối. Kỳ thực là ông đã thấy ngôi mộ Chúa Giêsu trống, không còn xác nằm trong đó. Từ đó các ngôi thánh đường lại mọc lên trên khắp năm châu, thánh giá lại xuất hiện trên các mái thánh đường, trên các bàn thờ, cả trên ngực các tín hữu.

Câu chuyện phim muốn nói lên một thực tế lịch sử này là: sức mạnh kỳ diệu của niềm tin vào Chúa Phục Sinh đang tạo nên một thế giới mới, nơi đó người người sẽ sống trong chân lý và tình thương cứu độ của Chúa Phục Sinh, nơi đó mọi dân nước sẽ được phát triển toàn diện, và tiến đến sự sống dồi dào trong an bình và hạnh phúc lâu bền.


(Theo website Phạm Minh Mẫn)