Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn gửi thư cứu trợ thiên tai Nhật Bản


Quý Anh em Linh mục, Tu sĩ thân mến,

Tôi đề nghị các nhà thờ, nhà nguyện trong Thành phố đặt thùng quyền góp tiền giúp các nạn nhân động đất và sóng thần ở Nhật Bản.

Thùng quyên góp này được đặt nơi thuận tiện, trên mặt đứng của thùng có để dòng chữ:

CARITAS TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

VÌ NẠN NHÂN ĐỘNG ĐẤT VÀ SÓNG THẦN Ở NHẬT BẢN

Đức Hồng Y gửi thư cứu trợ thiên tai Nhật Bản

Đức Hồng Y gửi thư cứu trợ thiên tai Nhật Bản

Đức Hồng Y gửi thư cứu trợ thiên tai Nhật Bản

Đức Hồng Y gửi thư cứu trợ thiên tai Nhật Bản

PV


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tiếp kiến Tân Đại sứ Pháp


Vào lúc 15g00, ngày 16-03-2010, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TP.HCM, tiếp Tân Đại Sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean Francois Girault, đến chào xã giao nhân dịp nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Cùng đi với Đại sứ có ông Gerard Boivineau, Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM.

Đón tiếp đoàn Đại sứ, có linh mục Tổng Đại diện Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh và linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Chánh Văn phòng Toà Tổng Giám mục.

Ngài đại sứ bày tỏ niềm vui nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam. Ngài tự giới thiệu, đã trải qua nhiệm kỳ Đại sứ tại Syrie (2002-2006) và tại Irak (2006-2009). Và đây là lần đầu tiên, ngài đến làm việc tại Á Châu.

ĐỨC HỒNG Y TIẾP KIẾN TÂN ĐẠI SỨ PHÁP

ĐỨC HỒNG Y TIẾP KIẾN TÂN ĐẠI SỨ PHÁP

Đức Hồng Y hy vọng ngài Đại sứ sẽ trải qua những ngày tháng thật tốt đẹp ở Việt Nam, với khí hậu ít nóng hơn, giữa những người Việt Nam thân thiện và hiếu khách.

Trong tinh thần cởi mở, hai bên trao đổi về các quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Khi bàn về lĩnh vực văn hoá, Đức Hồng Y đánh giá cao những nét ưu việt trong nền văn hoá Pháp. Ngài cũng cho biết, có nhiều giáo dân, tu sĩ và linh mục Việt Nam đã và đang du học tại Pháp.

Cuối cùng, Đức Hồng Y cám ơn Đại sứ về chuyến viếng thăm này, ngài chúc Đại sứ đạt nhiều thành công trong nhiệm kỳ công tác. Ngài hy vọng mối tương quan tốt đẹp giữa hai nước sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi, giúp xây dựng và phát triển đất nước và Giáo hội Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trên nền tảng công lý và tình thương.

Phái đoàn chụp chung với ĐHY tấm hình lưu niệm.

Trước khi lên xe, ngài đại sứ hỏi linh mục Tổng Đại diện về ý nghĩa câu NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG mà ngài nhìn thấy trên phù hiệu của ĐHY. Ngài tỏ vẻ cảm kích khi được biết ý nghĩa của khẩu hiệu và châm ngôn hoạt động của Đức Hồng Y.

Buổi tiếp đón kết thúc vào lúc 15g45 cùng ngày.


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn tiếp Ông Tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh


Vào lúc 9 giờ sáng nay, thứ sáu 3-9-2010, tại Tòa Tổng Giám mục TGP.TPHCM, Đức Hồng y Gioan Baotixita đã tiếp Ông Lê Thành Ân, Tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía phái đoàn Hoa Kỳ, ngoài Ông Tân Tổng lãnh sự còn có viên chức chính trị và một nhân viên thông dịch của Toà Tổng lãnh sự.

ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn tiếp Ông Tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh

ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn tiếp Ông Tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cùng tiếp ông tân Tổng lãnh sự có linh mục Hồ Văn Xuân, chánh văn phòng Toà Tổng Giám Mục và linh mục Đỗ Đình Ánh, thư ký riêng của Đức Hồng Y.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí thân tình và cởi mở. Đức Hồng y và Ông Tân Tổng lãnh sự trao đổi những vấn đề hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là việc giúp đỡ các trẻ em mồ côi và các trẻ em nhiễm HIV/AIDS qua cha mẹ; việc giúp đỡ các học sinh Việt Nam, sau khi tốt nghiệp trung học, có đủ các điều kiện cần thiết để được cấp Visa đi du học bên Hoa Kỳ.

Cuộc gặp gỡ kết thúc vào lúc 10 giờ cùng ngày.


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Bài phỏng vấn trước ngày Quốc tế Giới trẻ tại Madrid


Chỉ còn hai tuần nữa là Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ XXVI sẽ khai diễn tại Marid.

Phỏng vấn Đức ông Miguel Delgado Galindo, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh Giáo dân, về Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Madrid.

Quốc tế Giới trẻ tại Madrid

Quốc tế Giới trẻ tại Madrid

Chỉ còn hai tuần nữa là Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ XXVI sẽ khai diễn tại Marid, thủ đô Tây Ban Nha. Cho tới nay đã có khoảng nửa triệu người trẻ ghi danh tham dự. Phái đoàn từ Việt Nam cũng có 65 người. Trong khi từ các nước bắc Mỹ và Âu châu cũng có hàng trăm bạn trẻ Việt Nam tham dự, chung với bạn trẻ các giáo xứ giáo phận hay riêng rẽ. Có rất nhiều bạn trẻ thuộc các nước nghèo cũng muốn tham dự nhưng không đủ phương tiện tài chánh. Cả Philippines là quốc gia Á châu có đông bạn trẻ tham dự nhất, nhưng số người trẻ có cơ may sang Madrid cũng ít. Lý do là vì chi phí lên tới 78.000 pesos, tương đương với 1.800 mỹ kim, là số tiền quá lớn đối với đa số các bạn trẻ. Cũng chính vì vậy Ủy ban mục vụ giới trẻ của Hội Đồng Giám mục Philippines mở một trang Web cho các người trẻ không thể đi tham dự biến cố này, để họ có thể theo dõi các diễn tiến Ngày Quốc tế Giới trẻ diễn ra trong các ngày 16-21 tháng 8 này tại Madrid. Đức cha Joel Baylon Chủ tịch Ủy ban mục vụ giới trẻ đã khích lệ các bạn trẻ có thể tham dự cố gắng gửi vào địa chỉ này các hình ảnh và tin tức, cũng như các bài tường thuật để chia sẻ với các bạn trẻ ở nhà. Đức cha Baylon cũng mời gọi mọi tổ chức dấn thân trong lãnh vực mục vụ giới trẻ tại Philipiines thăng tiến các sáng kiến để giúp giới trẻ ý thừc được tầm quan trọng của Ngày Quốc tế Giới trẻ. Nó không phải chỉ là biến cố xảy ra tại Madrid, mà liên quan tới người trẻ toàn thế giới và mỗi một người trẻ đều được mời gọi tham dự trong tinh thần như có thể. Đức cha Baylon cũng cho biết không phải quốc gia nào cũng có phái đoàn chính thức tham dự. Điển hình như giới trẻ Nepal đã không thể tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Sydney hồi năm 2008 và lần này tại Madrid cũng không, vì lý do tài chánh cũng như vì lý do chưa được chuẩn bị và đào tạo tinh thần.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức ông Miguel Delgado Galindo, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh Giáo dân về Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Madrid. Ngày 18-6-2011, Đức ông đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chỉ định làm Phó Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh Giáo dân thay thế giáo sư Guzman Carriquiry được chỉ định làm Thư ký Hội đồng Tòa Thánh đặc trách về Châu Mỹ Latinh. Cho tới nay Đức ông đã là chủ sự đặc trách về các hiệp hội và phong trào của Hội đồng Tòa Thánh Giáo dân.

Hỏi: Thưa Đức ông, có người cho rằng trong các dịp hội họp đông như Ngày Quốc tế Giới trẻ, người trẻ chỉ là một đám đông vô danh làm cảnh cho buổi trình diễn thôi, Đức ông nghĩ sao?

Đáp: Ai hiểu Ngày Quốc tế Giới trẻ đều biết rằng nó là một dịp tuyệt vời để rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ, một kiểu giúp gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Vì thế nhân vật chính của Ngày Quốc tế Giới trẻ là Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là buổi trình diễn cũng không phải là đám đông các bạn trẻ. Không thể coi Ngày Quốc tế Giới trẻ là một lễ hội đa văn hóa của các bản trẻ Công giáo và là một biến cố không để lại dấu vết gì, khi ánh đèn cuối cùng của sân khấu tắt đi. Ngày Quốc tế Giới trẻ là một biến cố của Giáo hội với 5 triệu bạn trẻ tại Manila hồi năm 1995 và 2 triệu bạn trẻ tại Rôma hồi Năm Thánh 2000. Tuy nhiên, dù là một biến cố quy tụ các đám đông như thế, nhưng mỗi bạn trẻ tham dự đều được đánh động một cách sâu đậm. Nếu sống nó như một cơ may gặp gỡ Chúa Kitô, Ngày Quốc tế Giới trẻ có thể thay đổi cuộc đời của người tham dự. Dĩ nhiên, nó đòi hỏi một lộ trình chuẩn bị lâu dài, bắt đầu với sứ điệp mà Đức Giáo Hoàng viết gửi hàng năm cho người trẻ trong Ngày Giới Trẻ giáo phận cử hành vào Chúa nhật Lễ Lá. Có rất nhiều giáo xứ, hiệp hội, phong trào, và các nhóm trẻ tổ chức các buổi học hỏi và đào sâu sứ điệp ấy của Đức Thánh Cha. Nhưng các hoa trái quý báu nhất thuộc lãnh vực cá nhân riêng tư giữa Thiên Chúa và người trẻ, và đó là điều hợp lý thôi.

Hỏi: Đức ông có thể đơn cử vài thí dụ không?

Đáp: Có rất nhiều chúng từ rất đẹp của các người trẻ tìm đến với Bí tích Sám Hối sau nhiều năm không xưng tội, và họ bắt đầu một lộ trình hoán cải và thay đổi cuộc sống; hay có những người trẻ khám phá ra rằng Giáo hội là một thực thể sống động và trẻ trung như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định ngày khai mào chức vụ chủ chăn Giáo hội hoàn vũ. Và như thế những người trẻ đó đã củng cố đức tin của mình. Hoặc cũng có những người trẻ khác đã khám phá ra ơn gọi của mình sống như giáo dân tận hiến giữa đời hay trong ơn gọi hôn nhân hoặc sống ơn gọi linh mục tu sĩ của những người sống đời thánh hiến. Dưới ánh sáng của các hoa trái tông đồ và truyền giáo đó, người ta không thể chối cãi được sự kiện biến cố lớn này của Giáo hội đã trao ban sự hăng say mới cho công tác mục vụ cho người trẻ trong Giáo hội. Ngày Quốc tế Giới trẻ đã trở thành một dịp dậy giáo lý, và các Giám mục toàn thế giới đều nói về điều này, khi đến viếng thăm Hội đồng Tòa Thánh Giáo dân.

Hỏi: Nhưng mà thưa Đức ông, Hội đồng Tòa Thánh Giáo dân đâu có chỉ tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ không thôi. Tình trạng sức khỏe của giáo dân trong Giáo hội hiện nay ra sao?

Đáp: Anh chị em giáo dân là tầng lớp chiếm đại đa số trong Giáo hội, vì thế họ đáng được các chủ chăn chú ý đặc biệt. Việc khám phá ra và trân trọng ơn gọi của họ, đâm rễ sâu trong các bí tích khai tâm Kitô, luôn là một thách đố lớn. Ngoài ra nó phải luôn luôn được nâng đỡ bởi một việc đào tạo thích hợp khiến cho giáo dân ý thức được ơn gọi truyền giáo của họ, nghĩa là đem Chúa Kitô tới cho người khác.

Hỏi: Thưa Đức ông, trước khi đi tu làm linh mục, Đức ông đã là một luật sư và đã làm việc trong guồng máy hành chánh. Các kinh nghiệm của nghề luật sư này có ích lợi cho chức thừa tác hiện nay của Đức ông hay không?

Đáp: Việc đào tạo mà tôi đã nhận được trong đại học dân sự, và các kinh nghiệm nghề nghiệp mà tôi đã có, giúp tôi đương đầu với các đề tài mỗi ngày. Tôi đã là linh mục từ 15 năm nay, và điều ích lợi nhất từ kinh nghiệm luật sư đối với tôi đó là đã có tâm thức giáo dân; nó giúp tôi hiểu căn cước của giáo dân trong Giáo hội dễ dàng hơn, và nó cho phép tôi có một thái độ trân trọng đối với giáo dân.

Hỏi: Đức ông là một thành viên của Hiệp hội Opus Dei. Trong cương vị ấy, Đức ông có thể đóng góp gì cho việc cai quản trong Giáo hội?

Đáp: Ai là thành viên của hiệp hội Opus Dei – bất kể giáo dân hay linh mục – đều coi công việc của mình là việc phục vụ tha nhân, một đóng góp cho lợi ích chung của xã hội. Thánh Josemaria đã rất yêu thích động từ “phục vụ”. Người coi mình là đầy tớ của các linh hồn. Thánh nhân nói rằng ước vọng duy nhất của hiệp hội Opus Dei là phục vụ Giáo hội như Giáo hội muốn được phục vụ. Với các tâm tình ấy và tín thác nơi sự bầu cử của Đấng sáng lập hiệp hội, tôi thi hành thừa tác vụ của tôi.

Hỏi: Trong nhiều năm trời Đức ông đã phụ trách việc lo cho các hiệp hội và phong trào giáo dân. Ngày nay Hội đồng Tòa Thánh Giáo dân đã công nhận 150 phong trào và hiệp hội khác nhau trên thế giới. Chúng có tầm quan trọng nào đối với Giáo hội thưa Đức ông?

Đáp: Hiện tượng các hiệp hội của giáo dân nhằm thăng tiến các sáng kiến tông đồ, bác ái, hay đào tạo Kitô là một trong những hoa trái chín mùi của Công Đồng Chung Vaticăng II. Các thực tại đã nảy sinh và tiếp tục đâm chồi theo các giáo huấn của Công Đồng. Chúng là các nơi thích hợp cho việc đào tạo các tín hữu giáo dân, và đều nhắm dưỡng nuôi nơi tất cả mọi thành viên ý thức trách nhiệm phải làm chứng cho Chúa Kitô trong các môi trường sống khác nhau của mình.

Hỏi: So sánh với các thế hệ trẻ trong quá khứ, Đức ông thấy các người trẻ ngày nay như thế nào?

Đáp: Trong thập niên 1980 của thế kỷ vừa qua người ta cảm thấy rất nhiều ảnh hưởng ý thức hệ mác xít trong nền văn hóa và trong tâm thức của người trẻ Âu Châu. Tiếp theo đó người trẻ có các thái độ sống thực dụng hơn. Chúng bắt nguồn từ khuynh hướng tương đối hóa luân lý và khuynh hướng hư vô, mà chúng ta vẫn còn đang chứng kiến kiến hiện nay. Và vì thế người ta nhận thấy nơi giới trẻ một ý thức về sự bất ổn đối với tương lai; chúng ta cứ thử nghĩ tới các vấn đề liên quan tới hiện tượng người trẻ thất nghiệp, thì hiểu được các tâm tình bất ổn của họ.

Hỏi: Người ta thường nói tới một thế hệ không có giá trị, có đúng thế không thưa Đức ông?

Đáp: Theo tôi đó là một kiểu nói quá đáng. Có thể các người lớn của mọi thời đại đều nói như vậy đối với các thế hệ đến sau chăng? Nhưng tôi tin rằng giới trẻ xứng đáng được người lớn tin cậy hơn, đồng thời cũng cần có các nhà giáo dục tốt. Đó chính là điều mà Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm, khi người thiết lập với giới trẻ một tương quan tình bạn tuyệt diệu. Người đã là một người bạn trung thành của giới trẻ, nhưng cũng là một người bạn đòi hỏi. Người đã không bao giờ miễn cho giới trẻ điều gì liên quan tới các việc của Thiên Chúa. Người đã triệu tập họ và đi tìm họ khắp nơi để nói với họ. Ngày nay cuộc đối thoại đó được tiếp tục với Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Sinh nhật ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn tại khu xử lý chất thải rắn


Hôm nay, ngày 05/3/2011, Hội doanh nhân Công giáo Tổng Giáo phận Thành phố Hồ chí Minh (TGP) tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 78 của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn, Tổng Giám mục TGP, tại khu xử lý chất thải rắn, Huyện Củ Chi, Thành Phố Hồ Chí Minh (TP). Tham dự có Đức Cha Phêrô Trần đình Tứ – Giám mục Giáo phận Phú Cường, 21 linh mục thuộc hai Giáo phận Phú Cường và TP, cùng khoảng 250 người là tu sĩ nam nữ, anh chị em công nhân viên công ty Tâm Sinh Nghĩa. Trong số những vị khách tham dự hôm nay có một số là thành viên trong Hội Đồng Tư Vấn và Hội Đồng Kinh Tế của Giáo phận, đại diện các Ban Mục vụ của Giáo phận TP.HCM như Ban Mục vụ Truyền giáo, Di Dân, Giới Trẻ, Bác Ái Caritas, Chăm Sóc Bệnh Nhân, Gia Đình và Truyền Thông, đại diện các Dòng Đồng Công, Nữ Tử Bác Ái, Trinh Vương, Hội các Bà Mẹ Công Giáo…

Sinh nhật ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn tại khu xử lý chất thải rắn

Sinh nhật ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn tại khu xử lý chất thải rắn

Trước hết, vào lúc 10g30, anh Nguyễn Thái, trưởng ban doanh nhân công giáo TGP, thay mặt toàn thể anh chị em chúc mừng sinh nhật lần thứ 78 của ĐHY: Chúc ĐHY được tràn đầy ơn Thánh của Thiên Chúa.

Sau đó, tại nhà nguyện mới của khu xử lý chất thải rắn Tâm Sinh Nghĩa huyện Củ Chi, TP. ĐHY Gioan Baotixita, Đức Giám mục Phêrô và các linh mục cùng dâng thánh lễ tạ ơn Chúa vì những ơn Ngài ban, đồng thời xin Chúa cho mọi người biết sử dụng những ơn Chúa ban để phục vụ người khác vì sự sống, sự phát triển của nhân loại và của Giáo phận. Đặc biệt, ĐHY mời mọi người cầu nguyện cho những họat động của công ty Tâm Sinh Nghĩa mang lại lợi ích tốt đẹp cho cá nhân, công nhân và xã hội.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng, ĐHY nói ngắn gọn:

1- Người cùi được Chúa chữa lành, tức phục hồi sự sống. Chúa là sự sống và nắm quy luật của sự sống. Chúa dậy chúng ta đón nhận hồng ân sự sống và cách phát triển sự sống.

2- Để phát triển cuộc sống, chúng ta cần đến quyền năng của Chúa, đồng thời cũng cần có niềm tin của ta.

3- Nhờ lòng tin Chúa ban mà hiệp thông với Chúa, nhờ đó nuôi dưỡng và phát triển sự sống dồi dào hơn.

4- Những gì Chúa ban cho, chúng ta phải biết san sẻ cho người khác. Người Công giáo cảm nhận được Chúa yêu thương mình, nên phải biết chia sẻ cho người khác, đặc biệt cho những người nghèo.

Trong dịp này, ĐHY làm phép Bàn thờ và Nhà thờ mới của khu xử lý chất thải rắn Củ chi.

Vào cuối thánh lễ, ông Ngô Xuân Tiệc, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư – phát triển Tâm Sinh Nghĩa, chủ quản khu xử lý chất rắn Củ Chi, cám ơn ĐHY và mọi người, đồng thời giới thiệu khái quát về công ty: Nhiệm vụ chính của công ty là xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hoạt động chủ yếu trong các lãnh vực: xử lý ô nhiễm môi trường, sản xuất phân hữu cơ vi sinh và mùn hữu cơ vi sinh từ rác thải, tư vấn chuyển giao công nghệ xử lý rác, xây dựng công trình dân dụng kinh doanh nhà ở… Để ổn định cuộc sống cho công nhân, công ty đang xây dựng nhà trẻ, làm 300 căn nhà ở cho công nhân….

Trong phần giao lưu, khi cha Trưởng Ban Bác Ái Caritas hỏi về việc làm cho người khuyết tật, ông Ngô Xuân Tiệc trả lời: Công ty tiếp nhận tất cả mọi người, và người khuyết tật là quan tâm số một. Khi linh mục đặc trách Mục vụ Di Dân hỏi về chính sách của công ty đối với công nhân thời vụ và công nhân tại địa phương, ông Tiệc trả lời: Mặc dầu ưu tiên tuyển chọn người địa phương, nhưng người địa phương chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu lao động. Công ty cần ổn định sản xuất, nên ưu tiên số một vẫn là người có tâm huyết gắn bó lâu dài với công ty, đặc biệt là những người di dân. Khi linh mục đặc trách về Truyền Giáo hỏi về  việc đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho công nhân, ông Tổng Giám đốc Công ty trả lời: Công ty luôn nhắm tới lợi ích vật chất và tinh thần của bản thân, gia đình và mọi người, và mong nhận được sự giúp đỡ của các cộng đoàn để có thể đáp áp mọi nhu cầu tinh thần và tôn giáo của công nhân.

Sau Thánh lễ, mọi người đi thăm cơ sở vật chất của Công ty, rồi dùng cơm trưa thân mật với nhau. Khoảng 13g30, mọi người lên xe ra về với niềm hy vọng rằng ĐHY luôn mạnh khỏe, và mọi hoạt động của Công ty sẽ phát triển tốt đẹp theo tinh thần Tin Mừng mà công ty đã chọn.

Công ty Cổ Phần Đầu Tư – Phát Triển Tâm Sinh Nghĩa có khu xử lý chất thải rắn cách trung tâm TP khoảng 50 km, nằm tại xã Tam Tân, Huyện Củ Chi, cạnh kênh Thày Cai, trên vùng đất phèn, sản xuất nông nghiệp năng suất thấp, không hiệu quả.

Công ty có trình bày về mục đích, tôn chỉ và hoạt động của Công ty như sau:

I. Mục đích – tôn chỉ

Công ty cổ phần đầu tư – Phát Triển Tâm Sinh Nghĩa được thành lập theo ý tưởng của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn – Vị chủ chăn của Tổng Giáo Phận TP. HCM. Ngài mong muốn các Anh/Chị em doanh nhân công giáo liên kết với nhau tạo nên sức mạnh nhằm mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình đặc biệt là cho cộng đồng xã hội. Từ đó, Công ty Tâm Sinh Nghĩa ra đời nhằm chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường, khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng của Nước ta hiện nay. Công ty hoạt động không chỉ vì lợi ích doanh nghiệp mà mục đích xuyên suốt của Tâm Sinh Nghĩa là mang lại lợi ích cho xã hội bằng việc góp phần đầu tư, xây dựng công nghệ xử lý và tái chế rác thải với phương châm “biến thảm họa thành hàng hóa”.

“Tất cả vì môi trường sống của chúng ta” là sứ mạng mà tập thể lãnh đạo, CBNV Tâm Sinh Nghĩa luôn ghi nhớ và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Công ty trong quá trình phát triển.

II. Quá trình hoạt động

Bằng tâm huyết, đường hướng, chủ trương đúng đắn của tập thể lãnh đạo và CBNV Công ty cùng với sự quan tâm của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là sự động viên khích lệ của Đức Hồng Y đã giúp Tâm Sinh Nghĩa ngày càng phát triển vững mạnh, từng bước khẳng định vị thế của mình, trở thành Công ty tiên phong, đứng đầu cả nước trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Từ Công ty với vốn điều lệ 30 tỷ đồng đã tăng lên 800 tỷ đồng trong vòng chưa đến 03 năm và hoạt động rộng khắp các cả nước với hơn 08 nhà máy đang hoạt động và xây dựng tại các địa phương. Hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sau:

1. Xử lý ô nhiễm môi trường: Nước thải, rác thải, khí thải.

2. Sản xuất phân hữu cơ vi sinh và mùn hữu cơ vi sinh từ rác thải.

3. Tư vấn chuyển giao công nghệ xử lý rác.

4. Xây dựng công trình dân dụng, kinh doanh nhà ở…

III. Chế độ tuyển dụng và đãi ngộ nhân viên và công nhân

Công ty luôn xem trọng nguồn nhân lực và xác định đây yếu tố then chốt góp phần vào sự thành công của Tâm Sinh Nghĩa. Chính vì vậy, Công ty không ngừng xây dựng, cải thiện các chế độ đãi ngộ để thu hút và giữ chân nhân tài. Ngoài các chế độ đãi ngộ về lương, thưởng Công ty luôn chú trọng đến việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện, phát huy hiệu quả làm việc và giúp CBNV cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc. Chăm lo cho CBNV Công ty bằng việc xây dựng nhà ở tập thể, nhà mẫu giáo cho con của CBNV để giúp CBNV ổn định cuộc sống. Tại mỗi Nhà máy và văn phòng làm việc đều bố trí bếp ăn tập thể luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng và sức khỏe cho CBNV.

Nhằm liên kết yêu thương, tạo sức mạnh đoàn kết và giúp đỡ người khác, Công ty đặc biệt quan tâm tạo công ăn việc làm cho những người lang thang, nghèo khổ, những người không nơi cư ngụ, sống nhờ vào các bãi rác trở thành CBNV hữu ích của Công ty có đầy đủ nhà ở tiện nghi, công việc và thu nhập ổn định.

IV. Đường hướng nâng đỡ anh chị em di dân

Với tôn chỉ sống công giáo giữa lòng Dân Tộc và tinh thần truyền giáo của các Kitô hữu, Tâm Sinh Nghĩa luôn ý thức điều đó, luôn hy vọng sẽ góp một phần nhỏ cho Giáo Hội, cho Đất Nước. Vì vậy, Công ty luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn ở cho CBNV đặc biệt là các nhân viên từ các tỉnh xa vào làm việc với các dịch vụ: điện, nước sạch, an ninh, điều kiện giáo dục cho con cái của CBNV… Ngoài ra, trong các nhà máy đều có nhà cầu nguyện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các Kitô hữu giữ được điều thiết yếu trong luật đạo. Hằng tuần, có tổ chức một thánh lễ cho CBNV nhà máy tham dự, không ngoài mục đích mang Tin Mừng đến cho muôn dân, đặc biệt là anh chị em không Công giáo trong nhà máy.

PV


(Theo website Phạm Minh Mẫn)