Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn : Cách phòng trị tật “Hay lo lắng”


ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn - T2, 28/02/2011

CN VIII TN, 27.2.2011

TIN MỪNG NGÀY THẦY THUỐC: MT 6, 24-34

 

CÁCH PHÒNG TRỊ TẬT "HAY LO LẮNG"

CÁCH PHÒNG TRỊ TẬT "HAY LO LẮNG"

Lời người cho biết tình trạng bệnh tật trong đời sống con người

1. Về tật hay lo lắng trong đời sống con người, kết quả một cuộc điều tra xã hội cho thấy tình trạng như sau:

- 45% lo lắng về tiền bạc;

- 39% lo lắng về người khác;

- 32% lo lắng về sức khoẻ;

- 20% lo lắng về thi cử, tiến thân;

- 15% lo lắng về công ăn việc làm, kế sinh nhai.

Lưu ý: Cần phân biệt giữa tật “hay lo lắng” với sự quan tâm, lo liệu:

- sự lo lắng gây căng thẳng và làm tê liệt tiềm năng, lòng tin, lòng đạo

- sự quan tâm lo liệu đánh thức và vận dụng tiềm năng, lòng tin, lòng đạo.

2. Kinh nghiệm đời người xác định những tác hại của tật “hay lo lắng”:

(1) Nó gây căng thẳng, có thể làm mất ăn mất ngủ, hại sức khoẻ;

(2) Nó làm hao mòn đầu óc suy nghĩ và làm giảm thiểu năng xuất của lao động trí óc, chân tay;

(3) Nó tác động tiêu cực đến cách ứng xử của con người.

Lời Chúa chỉ dạy cách phòng trị bệnh tật trong đời người

3. Qua đoạn Tin Mừng Mt 6, 24-34, Chúa Giêsu chỉ cho ta hai liều thuốc phòng trị tật “hay lo lắng”:

. Một là: hãy sống giây phút hiện tại, như một phương thế giúp ta vượt qua tật “hay lo lắng”. Không vượt qua được, sự lo lắng sẽ làm hao mòn, tệ liệt sức lực, cản trở những nỗ lực trong hiện tại, đồng thời làm giảm sút lòng tin tưởng cậy trông vào Cha trên trời;

. Hai là: hãy thường xuyên đánh thức lòng tin của mình đối với Cha trên trời, sống hiện diện với Ngài, gắn bó với Ngài trong từng giây phút,

- vì lẽ Ngài đã tạo thành chúng ta, và Ngài có tấm lòng yêu thương bao la hơn biển Thái Bình, và quan tâm chăm lo cho ta hơn bất cứ người mẹ nào ở trần gian (x.Is 49,14-15) ;

- đồng thời vì Ngài muốn ta đối diện với những thách đố trong cuộc đời, và biến nó thành cơ hội để tăng trưởng và phát triển.

Kết: Ánh sáng Lời Chúa là ánh sáng chân lý và tình yêu. Sống theo Lời Chúa dạy, và bước đi trong ánh sáng đó, sẽ giúp ta trở nên con người mới, con người thành toàn theo hình mẫu Đức Giêsu Kitô là Ánh sáng cứu độ trần gian, là Thầy và là Mục tử nhân lành.


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Tết Tân Mão: Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau (phần cuối)


Sau 2 ngày thăm mục vụ tại Cà Mau, sáng sớm ngày 12/2/2011 (mùng 10 tết), Đức Hồng y tạm biệt Cà Mau để đến thành phố Bạc Liêu cử hành Thánh lễ Cung hiến và Khánh thành nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Dọc đường, ngài ghé vào Trung tâm Hành hương cha FX. Trương Bửu Diệp – là cha cố đã nhận ngài làm cậu giúp lễ năm xưa. Tận mắt chứng kiến cách Đức Hồng y thành kính trầm mình trước mộ phần cha cố, phái đoàn mới phần nào cảm nhận tấm chân tình ngài dành trọn nơi cha. Rời Trung tâm Hành hương, Đức Hồng y vội bước nhanh qua nhà xứ Tắc Sậy để thăm hỏi cha sở. Đột ngột được ngài đến thăm, cha sở Tắc Sậy rất vui mừng, ân cần đón tiếp. Trước lúc chia tay, cha sở gởi biếu ngài và phái đoàn mỗi người 1 đĩa DVD ghi lại những hình ảnh của Trung tâm.

Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau
Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau

TẾT TÂN MÃO: ĐỨC HỒNG Y THĂM MỤC VỤ CÀ MAU P.6

Đến 9g30, xe Đức Hồng y tới thành phố Bạc Liêu. Đón tiếp ngài có Đức cha Stephano Tri Bửu Thiên – Giám mục Giáo phận Cần Thơ, cha Hạt trưởng Hạt Bạc Liêu kiêm chánh xứ Clemente Nguyễn Tấn Lợi và quý cha trong ngoài hạt.

Mở đầu nghi thức Cung hiến Thánh đường, Đức Hồng y cắt băng khánh thành, trao chìa khóa mở cửa nhà thờ cho cha sở rồi cùng đoàn rước tiến vào nhà thờ. Sau các nghi thức long trọng rẩy nước thánh, xông hương, xức dầu thánh hiến bàn thờ…Đức Hồng y thắp sáng nến để dẫn cộng đoàn vào Thánh lễ.

Trong phần giảng lễ, Đức Hồng y hướng cộng đoàn nhân dịp năm mới tạ ơn Thiên Chúa về những gì Người đã ưu ái với họ đạo. Ngài nhắc lại những đường hướng mà Đại Hội Dân Chúa vừa qua đã đề ra để mỗi người dù là Hồng y hay giáo dân đều phải nỗ lực thực thi. Ngài nêu lên 8 cái phúc của người tín hữu để nhắc nhớ cộng đoàn không chỉ giữ đạo mà phải sống đạo, làm chứng cho đạo, kêu gọi mọi người mở rộng 2 van tim để chia sẻ với anh chị em đồng loại nơi đây sao cho 8 cái phúc ấy sẽ được nhân lên, cho người khác cũng nhận ra sự bình an, niềm vui và ơn cứu độ nơi Thiên Chúa.

Trước khi Thánh lễ kết thúc, cha sở Clemente kính dâng những đóa hoa tươi thắm lên Đức Hồng y và Đức cha để bày tỏ lòng tri ân. Thánh lễ kết thúc với phép lành cuối lễ.

Buổi chiều Đức Hồng y lại tiếp tục hành trình thăm mục vụ nhà thờ Sóc Trăng, Hội Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ, Đại Chủng viện Thánh Quý Cái Răng và Dòng Chúa Quan Phòng Cần Thơ. Đến mỗi nơi, ngài đều trò chuyện, ân cần lắng nghe, động viên chia sẻ và đặc biệt kể một câu chuyện vui hay bông đùa làm ai nấy đều nhớ mãi hình ảnh người cha giản dị ấy, vừa gần gũi lại vừa khả kính. Đến 18g, Đức Hồng y chụp hình lưu niệm với quý Soeurs Dòng Chúa Quan Phòng, rồi chào tạm biệt quý Soeurs để trở về thành phố.

Kết thúc tốt đẹp chuyến đi thăm mục vụ Cà Mau 3 ngày của Đức Hồng y.


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Tết Tân Mão: Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau (p.3)


Sáng ngày 11/2/2011 (mùng 9 tết) Đức Hồng y đến Đất Mũi thăm 2 họ đạo nằm ở cuối mũi Cà Mau, nơi tận cùng tổ quốc.

Chặng đường dài cả 100 km nhưng suốt hơn 2 giờ ngồi trên tàu cao tốc, Ngài luôn tươi cười vui mừng như cá gặp nước. Ngài kể lại cuộc đời gian khổ từ thuở bé đã phải bôn ba bán bánh dạo, cho đến lúc trưởng thành đi tu, đi du học… những câu chuyện của ngài cuốn hút người nghe khiến cho quãng đường đi như được rút ngắn lại. Trước khi thăm họ đạo, đoàn ghé qua khu du lịch Đất Mũi. Khi tàu vừa cặp bờ, Đức Hồng y nhanh nhẹn bước lên trước để dẫn đường cho đoàn theo sau. Vừa đi ngài vừa chỉ dẫn những địa danh, những cột mốc lịch sử mà ngay cả một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp cũng chưa chắc biết đến, làm cho cả đoàn ai cũng phải trầm trồ khen ngợi.

 Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau

Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau

TẾT TÂN MÃO: ĐỨC HỒNG Y THĂM MỤC VỤ CÀ MAU P.3

Chưa bao giờ thấy Đức Hồng y cởi mở như vậy, ngài chụp hình chung với cả đoàn, rồi chụp riêng với từng người. Đến 12g, đoàn tới nhà thờ Kênh Nước Lên. Nghe qua báo cáo của cha sở Đaminh Châu Hoàng Ngọc, Đức Hồng y rất cảm kích. Ngài vừa dùng cơm trưa vừa trò chuyện với quý cha. Chụp hình lưu niệm xong, Đức Hồng y chia tay với họ đạo để lên đường về quê ngoại.

Đúng 17 giờ, Đức Hồng y dâng Thánh lễ kính nhớ tổ tiên trong ngày đầu năm mới tại nhà thờ Hòa Thành. Ngài nhắc nhớ cộng đoàn cầu nguyện mở rộng 2 van tim để tạ ơn Thiên Chúa và chia sẻ với anh chị em mình. Sau lời tạ ơn của cha sở Giuse Lê Hiến, Đức Hồng y ban phép lành cuối lễ. Sau đó, ngài dẫn cả đoàn ra Đất Thánh phía sau nhà thờ để chỉ cho thấy nơi chôn cất ông bà cố của ngài và nhân tiện giới thiệu thêm một di tích lịch sử: Ao Giếng Ngự do vua Gia Long cho đào năm xưa.

Đến 19 giờ, Đức Hồng y dẫn đoàn qua thăm ngôi nhà nơi ngài sinh trưởng, vẫn còn lưu giữ di ảnh ông bà ngoại và cha mẹ ngài. Sau khi dùng cơm với gia đình, Đức Hồng y lưu luyến bắt tay từng người cháu, rồi chia tay để tiếp tục đến thăm họ đạo khác. Thật cảm động biết bao khi trời đã khuya nhưng Đức Hồng y vẫn cố gắng thăm cho bằng được họ đạo Ao Kho – một họ đạo rất nghèo. Chính bởi tấm chân tình đó mà giáo dân Ao Kho cứ muốn níu chân ngài. Gói quà nhỏ “Khô Cá Sặc Bỏi” kính dâng lên Đức Hồng y đã phần nào minh chứng cho tấm lòng thành của xứ Hòa Thành.

Kết thúc ngày làm việc thứ hai của Đức Hồng y tại Cà Mau. (Xin kính mời xem tiếp hành trình thăm mục vụ Cà Mau trong phần 4).


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Tết Tân Mão: Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau (p.2)


Rời Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái, Đức Hồng y tiếp tục hành trình hơn 40 km đến nhà thờ nông trường U Minh, huyện Trần Văn Thời – một trong những địa danh hiểm trở nằm giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ, nơi mà ôtô không thể ra vào, tàu bè thường xuyên bị mắc cạn. Đức Hồng y cùng phái đoàn phải di chuyển bằng xe Honda ôm. Ấy vậy mà suốt chặng đường đi, ngài luôn tươi cười, bởi nơi đây, những con người “chân lấm tay bùn” sống chân thật giản dị, cảnh vật yên tĩnh, không khí trong lành.

Đón tiếp Đức Hồng y không kèn loa, chỉ có đội trống lân của giáo xứ múa nhảy rất lạ mắt, điệu nghệ, khác hẳn với cách thức đón tiếp ở những nơi khác.

Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Hồng y làm phép tháp chuông nhà thờ, rồi ngài cùng cha Hạt trưởng Phaolô Nguyễn Văn Vinh, cha sở Máccô Phạm Minh Thủy (em trai út Đức Hồng y) và quý cha trong hạt dâng lễ tạ ơn trong ngày đầu năm mới.

 

Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau

Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau

TẾT TÂN MÃO: ĐỨC HỒNG Y THĂM MỤC VỤ CÀ MAU P.2

Trong phần giảng lễ, Đức Hồng y ôn lại truyền thống đạo hiếu uống nước nhớ nguồn của dân tộc, khen ngợi những việc làm tốt đẹp trong năm qua của cha sở và giáo dân họ đạo U Minh như giúp tắc ráng (thuyền gỗ nhỏ, chở khoảng 15 người di chuyển trên sông rạch) cho những hộ quá nghèo làm phương tiện đi lại, xây thêm cầu mới nối liền các mương rạch, tạo cho bà con đến với Chúa, đến với nhau thuận lợi hơn. Ngài nêu lên Mầu Nhiệm 5 Sự Sáng mà Đức Giáo Hoàng mới thêm vào trong 15 chuỗi Mân Côi, kể lại câu chuyện giếng Giacob xưa để mời gọi cộng đoàn hãy mở rộng cả 2 van tim, chia sẻ ngọt bùi với những người chung quanh mình, hầu đổi mới bộ mặt Giáo hội.

Thánh lễ kết thúc với phép lành cuối lễ. Sau bữa cơm thân mật với quý cha, Đức Hồng y lưu luyến chia tay họ đạo U Minh để tiếp tục hành trình về quê nội.

Buổi chiều, Đức Hồng y về thăm 2 nhà thờ họ đạo quê nội: Sông Đốc và Cái Rắn. Hành trình đến với Cái Rắn là một kỷ niệm khó quên đối với cả đoàn, bởi phải đi bằng tắc ráng hơn nửa giờ với mấy chục lần phải cúi rạp mình sát xuống sàn ghe mỗi khi tắc ráng đi qua cây cầu dừa, nhiều lần phái đoàn như bị hất văng xuống dòng nước khi gầm ghe đụng phải một nhánh cây nằm dưới sông. Những lúc ấy, mọi người ai cũng sợ nhưng cũng vui lắm. Đến mỗi nơi, Đức Hồng y đều được cộng đoàn hân hoan tiếp đón trong khung cảnh đơn sơ, mộc mạc và chân thành, khiến ngài xúc động, quỳ chầu trước Mình Thánh Chúa rất lâu.

Sau phần báo cáo tình hình họ đạo của các linh mục chánh xứ Giuse Trương Minh Tâm và Martino Nguyễn Hoàng Hôn, Đức Hồng y ban huấn từ rồi kể lại thời thơ ấu của ngài cho cộng đoàn cùng nghe. Vừa kể Đức Hồng y vừa hồi tưởng, diễn tả sống động những hồi ức y hệt như ngài vẫn đang còn là cậu bé thuở ấy.

Đến 17g, Đức Hồng y lưu luyến chia tay quê nội. Trở về trung tâm TP Cà Mau, ngài dành trọn buổi tối để tiếp đón và dùng cơm với chính quyền địa phương. Trước khi chia tay, ngài gởi tặng mỗi vị một quyển album “Ngôi nhà Giáo Hội trên Sài Gòn” như một món quà giá trị ghi lại những cột mốc quan trọng nhất trong 50 năm qua của Giáo hội.

Kết thúc một ngày thăm mục vụ Cà Mau của Đức Hồng y. (Xin kính mời xem tiếp hành trình về quê ngoại của Đức Hồng y trong phần 3).


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Tết Tân Mão: Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau (p.1)


Như đã thành truyền thống, cứ sau những ngày chúc tết các cha hưu trí trong Giáo phận, Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn – Tổng Giám mục Giáo phận TPHCM lại về quê thăm mục vụ.

Vào lúc 4g30 sáng ngày 10/2/2011 (mùng 8 tết), Đức Hồng y đáp chuyến bay từ TPHCM đến Cà Mau trong chuyến thăm mục vụ Cà Mau 3 ngày: 10,11 và 12/2/2011. Tháp tùng ngài có linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân – Chánh văn phòng Tòa Giám mục TPHCM, linh mục Giuse Đỗ Đình Ánh – thư ký của Đức Hồng y, linh mục Giuse Vương Sỹ Tuấn – cha phó nhà thờ Chánh tòa và một số doanh nhân Công giáo.

Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau

Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thăm mục vụ Cà Mau

TẾT TÂN MÃO: ĐỨC HỒNG Y THĂM MỤC VỤ CÀ MAU P.1

Vừa rời phi trường Cà Mau, điểm đầu tiên Đức Hồng y cùng phái đoàn đến thăm là Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái tọa lạc trên quốc lộ 63, KP 5 phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, điện thoại: 07803689262. Đón Đức Hồng y có cha Hạt trưởng hạt Cà Mau Phaolô Nguyễn Văn Vinh – kiêm chánh xứ Quản Long, và linh mục phó xứ Phêrô Nguyễn Việt Sử; linh mục chánh xứ Ao Kho, Đaminh Nguyễn Đức Mười; quý Soeurs Dòng Phaolô Mỹ Tho cùng các em mồ côi khiếm thính.

Trung tâm Nhân Ái rộng gần 2 ha, được cha Hạt trưởng Phaolô Nguyễn Văn Vinh dồn rất nhiều tâm huyết đầu tư xây dựng và hiện đang nuôi dưỡng 52 trẻ khiếm thính – mồ côi, độ tuổi từ 6 đến 17 tuổi. Các em được cha Hạt trưởng, quý Soeurs Dòng Phaolô cùng quý thầy cô tận tình chăm sóc, dạy chữ và dạy nghề.

Dùng điểm tâm xong, Đức Hồng y tham quan các phòng học, phòng vi tính, phòng vật lý trị liệu, xưởng in lụa, xưởng may, xưởng mộc… Ngài ân cần trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe các thành viên và các em trong Trung tâm. Tiếp đến, Đức Hồng y cắt băng khánh thành xưởng máy gặt lúa cải tiến – một trong những công trình sáng tạo rất độc đáo do cha Hạt trưởng cùng một nhóm kỹ sư chế tạo tiết kiệm nhiên liệu, sức lao động và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đức Hồng y tỏ ra rất vui khi biết công trình này được cấp bằng sáng chế, ngài khen ngợi khích lệ những công trình của cha Hạt trưởng cùng đội ngũ kỹ sư, khuyến khích họ đầu tư chất xám nhiều hơn nữa để có được những công trình giá trị.

Đến 8g30, ngài rời Trung tâm để tiếp tục hành trình đến với nhà thờ U Minh (xin xem trong phần ký sự tiếp theo).


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Suy niệm lời chúa : Đâu mới là chuẩn mực cần có ?


Thứ Ba sau Chúa Nhật XVIII Thường niên A

Lời Chúa: Mt 15,1-2.10-14

Đâu là chuẩn mực?

Đâu là chuẩn mực?

1Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và nói rằng: 2″Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? ” 10Sau đó, Đức Giêsu gọi đám đông lại mà bảo: “Hãy nghe và hiểu cho rõ: 11Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.” 12Bấy giờ các môn đệ đến gần Đức Giêsu mà thưa rằng: “Thầy có biết không? Những người Pharisêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy.” 13Đức Giêsu đáp: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. 14Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.”

Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố (Mt 15,14)

Suy niệm:

Bài tin mừng hôm nay bắt đầu bằng việc thắc mắc từ các kinh sư về luật sạch dơ trong đời sống thường ngày mà các ông gọi là tập tục của tiền nhân. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nhắc nhở nhau phải hiếu kính tổ tiên. Phải giữ gìn những truyền thống tốt đẹp cha ông ta để lại. Nghĩ cho cùng thì việc rửa tay trước khi ăn là một truyền thống tốt, chúng ta nên duy trì. Phải chăng những người Pharisêu có lý khi dựa vào truyền thống của tiền nhân để bắt bẻ Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đã lội ngược dòng đời (không rửa tay trước khi ăn)?

Vậy tại sao Chúa Giê su lại giáng lên họ một đòn khá mạnh khi đề cập đến “cái vào miệng” và “cái từ miệng ra”? Mạnh thật và đau thật. Đau đến nỗi môn đệ của Ngài cũng phải lên tiếng thay cho họ: “Thầy có biết không? Những người Pharisêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy. Về phần Chúa Giêsu, Ngài biết rõ ý đồ đen tối từ lòng dạ họ. Lòng dạ của những người đầy chước độc mưu thâm: ghen tương, tranh chấp, đố kỵ, tìm kẽ hở để chà đạp người khác và để che lấp tội của chính mình. Đó là một âm mưu khá chuyên nghiệp của những hung thủ giết người không gươm. Xã hội chúng ta hôm nay cũng không thiếu những con người như thế. Bản thân chúng ta cũng có những lúc chẳng khác gì họ khi cư xử với tha nhân. Lấy mình làm thước đo để chà đạp anh em. Sống giả nhân giả nghĩa.

Chúng ta sẽ làm gì để trở nên tự do và giúp nhau được tự do trong ân sủng Chúa, sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Đâu là chuẩn mực cho đời sống ? Thưa đó chính là chuẩn mực tình yêu. Chúng ta có rất nhiều tài: tài hùng biện, tài lãnh đạo, tài giao tiếp…Nhưng nên nhớ rằng chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Chúng ta sống với nhau trong sự liên đới, chúng ta cần có nhau. Khả năng Chúa ban cho chúng ta là để làm phong phú cho nhau, thậm chí sửa dạy nhau khi cần thiết. Vì thế những luật lệ phải được chúng ta dùng trong tình yêu thương, phải biết đặt tình yêu lên trên lề luật. Thiếu tình yêu, luật sẽ trở nên cứng nhắc. Thiếu tình yêu, luật chỉ còn là vết kim châm rướm máu thay vì là kim chỉ nam cho đời sống.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, cuộc sống thường ngày lắm khi chúng con bị rơi vào tình trạng lấy mình làm tiêu chuẩn, làm thước đo cho người khác. Chúng con chủ quan đánh giá người khác theo lăng kính thiển cận của mình. Từ đánh giá chúng con đi đến chỗ hạ giá lẫn nhau. Cuộc sống từ đó đã có nhiều dối trá giả hình. Vì nhiều khi chúng con cố tình hạ giá người khác để che đậy khiếm khuyết của bản thân. Hận thù tranh chấp cũng từ đó nảy sinh. Xin Chúa cho chúng con ý thức và luôn trân trọng phẩm giá của anh chị em xung quanh chúng con. Trân trọng sự tự do Chúa ban cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết nói lời yêu thương, lời xây dựng bình an. Trên hết đó là lời sự thật bắt nguồn từ tình yêu Đức Kitô, Đấng là nguồn chân-thiện-mỹ.

Lạy Chúa, như Chúa đã nói: “mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố”. Thực tế ai trong chúng con cũng rất sợ cảnh mù lòa. Bởi mù lòa khiến chúng con khó cảm hưởng được vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh. Nhưng còn một thứ mù lòa đáng sợ hơn gấp ngàn lần. Đó là sự mù lòa về tinh thần bởi đã chai lỳ trong tội lỗi. Vì quá quen với những đam mê danh lợi thú khiến chúng con mất dần và mất hết cảm giác về tội. Mù mà chúng con không biết mình mù. Cảm hưởng về ơn Chúa thật diệu kỳ qua thiên nhiên, qua con người cũng dần trở nên xa lạ với chúng con. Xin Chúa đến phục hồi cặp mắt tinh thần cho chúng con. Và xin cho chúng con dám can đảm bắt đầu lại.


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Giáo hội Công giáo sẽ không vi phạm ấn toà giải tội


ĐTGM Gianfranco Girotti



Đức Tổng Giám mục Gianfranco Girotti, Chánh án Toà Ân giải Tối cao của Toà Thánh, khẳng định chắc chắn rằng Giáo hội Công giáo sẽ không bao giờ tiết lộ lời thú tội của một hối nhân. “Ireland có thể thông qua bất cứ điều luật nào họ muốn, nhưng họ phải biết rằng Giáo Hội sẽ không bao giờ chịu ép buộc các cha giải tội cung cấp thông tin cho các viên chức dân sự”, Đức Tổng Giám mục Girotti cho biết trong một tuyên bố trên tờ Il Foglio hôm 27-7.

ĐTGM Gianfranco Girotti

ĐTGM Gianfranco Girotti

Hôm 14-7, Thủ tướng Ireland Enda Kenny cam đoan đưa ra một đạo luật mới nhằm thiết lập một án tù 5 năm cho các linh mục không cung cấp thông tin cho chính quyền dân sự về các trường hợp lạm dụng tình dục được tiết lộ trong toà giải tội.

Luật được đề xuất trái với Giáo Luật, là điều luật bảo vệ quyền bất khả xâm phạm ấn toà giải tội và cấm các cha giải tội vi phạm luật này. “Cha giải tội nào vi phạm ấn toà giải tội sẽ tự động bị vạ tuyệt thông tiền kết đối với Giáo Hội”, và do đó đạo luật được đề xuất là “phi lý và không thể chấp nhận được” – Đức Tổng Giám mục Girotti nói.

“Việc thú tội là một hành động riêng tư nhằm giúp hối nhân sửa đổi và thanh tẩy. Ấn toà giải tội là một điều kiện cần thiết”, ngài nói. “Điều này không có nghĩa là các giám mục không cần đề phòng nhằm chống lại những kẻ xâm phạm tình dục trẻ em, và một khi đã có các cuộc điều tra thích hợp, thì đòi hỏi các cá nhân đó phải trả giá cho tội phạm của họ”, ngài nói thêm.

“Nếu họ muốn xâm phạm ấn toà giảo tội, câu trả lời của Giáo Hội sẽ luôn luôn là không!”

“Tất cả các hối nhân có trách nhiệm trước công lý về những tội ác mà họ đã phạm, nhưng điều này không liên quan đến việc cha giải tội vi phạm ấn toà giải tội. Xưng tội có nghĩa là để thanh tẩy tâm hồn trước mặt Thiên Chúa”, ngài nhắc lại.

Đức Tổng Giám mục Girotti nói rằng các cha giải tội “có nhiệm vụ tha tội nếu hối nhân có sự ăn năn thật lòng”, và rằng việc cung cấo thông tin cho các viên chức dân sự, bị kết án tù hoặc bị các hình thức trừng phạt, do pháp luật nhà nước quy định, lại là một vấn đề khác.

Nguồn: TTCG


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ tế Thánh lễ Giao thừa


Để tạ ơn Chúa đã ban một năm Canh Dần đầy hồng ân và để thánh hoá những giây phút đầu tiên của năm Tân Mão, một Thánh lễ Giao thừa đã được cử hành thật sốt sắng tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, và sau đó một Nghi thức đón Giao thừa thật ấm cúng cũng đã diễn ra tại Toà Tổng giám mục TP.HCM.

Nghi thức đón Giao thừa thật ấm cúng cũng đã diễn ra tại Toà Tổng giám mục TP.HCM.

Nghi thức đón Giao thừa thật ấm cúng cũng đã diễn ra tại Toà Tổng giám mục TP.HCM.

Đúng 8 giờ tối, đông đảo giáo dân đã tề tựu trong Nhà thờ Đức Bà để tham dự giờ canh thức Giao thừa. Mọi người cùng nhau suy niệm Năm Sự Sáng của Kinh Mân Côi, cùng tạ ơn Chúa vì Chúa đã giúp cho cộng đoàn hiệp với Đức Maria để theo bước chân Chúa, làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Ngài trong suốt năm vừa qua.

Lúc 9 giờ, Thánh lễ Giao thừa được Đức Hồng Y Gioan Baotixita chủ tế và 5 linh mục đồng tế. Trong Bài giảng, ĐHY nói về quà tặng Bát Phúc: “Bát Phúc có nghĩa là ai tin Chúa và đón nhận cùng chia sẻ quà tặng đó cho nhau, người đó được Chúa chúc phúc 8 lần.” Ngài cũng nhắc nhở mọi người trong năm mới hãy đi theo Chúa trên con đường Chúa đã đi qua, được diễn tả trong 20 mầu nhiệm Mân Côi.

Cuối Thánh lễ, đại diện giáo dân đã chúc tuổi ĐHY, chúc tết hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Lời chúc được diễn tả bằng diễn từ và được minh hoạ bằng những bài hát Xuân thật đẹp. Hai bó hoa Xuân đã được dâng lên cho ĐHY và cha Tổng đại diện. Đáp từ, ĐHY đã gửi đến mỗi người một phong bì gồm thiệp và lời chúc Xuân đặc biệt. Ngài cám ơn lời cầu chúc và cầu nguyện của mọi người và nhắn nhủ cộng đoàn cộng tác với Chúa Thánh Thần để canh tân đời sống trong Năm mới.

VCTĐ SÀI GÒN: THÁNH LỄ GIAO THỪA 2011

VCTĐ SÀI GÒN: THÁNH LỄ GIAO THỪA 2011

Nghe audio: Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn: Thánh lễ Giao thừa

Sau đó, vào lúc 11 giờ, Nghi thức “Giao Thừa đón Chúa” đã diễn ra tại Toà Tổng Giám mục. Mọi người vào phòng hội để bắt đầu phần “Tôn vinh Thiên Chúa” với những suy niệm và lời cầu nguyện xoay quanh đoạn Tin Mừng nói về Chúa là là mục tử nhân lành. Tiếp đến là phần kính nhớ tổ tiên, mọi người hướng về các bậc tiền bối đã hiện diện, phục vụ và hy sinh cho Tổng Giáo phận Sài Gòn. Cuối cùng là phần Chúc tuổi Bề trên, Cha Tổng Đại diện đã thay mặt gia đình Giáo phận chúc tết vị Cha chung là ĐHY. Sau khi ĐHY đáp từ xong thì đúng giao thừa, mọi người ra ngoài sân ngắm pháo bông, ăn bánh, uống nước và chuyện trò vui vẻ với nhau. Nghi thức đón giao thừa kết thúc bằng một vũ khúc do các bạn trẻ Khôi Bình trình diễn.

VCTĐ SÀI GÒN: THÁNH LỄ GIAO THỪA 2011

VCTĐ SÀI GÒN: THÁNH LỄ GIAO THỪA 2011

VCTĐ SÀI GÒN: THÁNH LỄ GIAO THỪA 2011

VCTĐ SÀI GÒN: THÁNH LỄ GIAO THỪA 2011

VCTĐ SÀI GÒN: THÁNH LỄ GIAO THỪA 2011

VCTĐ SÀI GÒN: THÁNH LỄ GIAO THỪA 2011


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Thư của Đại diện không thường trú của Toà Thánh gửi ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn


Khâm sứ Toà Thánh ở Inđônêsia

Khâm sứ Toà Thánh ở Inđônêsia

Kính gửi

Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh

Toà Tổng Giám mục,

180 Nguyễn Đình Chiểu, Q3,

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Ngày 13-1-2011

Trọng kính Đức Hồng Y,

Hôm nay, nhân dịp công bố việc bổ nhiệm tôi làm Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, tôi vui mừng viết thư này gửi Đức Hồng Y để diễn tả niềm vui sâu xa của tôi đối với sứ vụ mới và khẳng định rằng, tôi coi đây là một vinh dự được đại diện Đức Thánh Cha tại Giáo Hội địa phương trong đất nước tuyệt vời này.

Nhân cơ hội này, tôi muốn nói lên ý muốn và niềm ước mong chân thành được hỗ trợ ngài và Giáo Hội nơi ngài thi hành thừa tác vụ Giám mục. Ngay từ thời điểm này, tôi muốn đoan chắc với ngài rằng, tôi sẵn sàng phục vụ và cộng tác vì ích lợi của Giáo Hội.

Với sự trợ giúp của Chúa, tôi rất hy vọng củng cố mối dây hiểu biết huynh đệ và trợ giúp lẫn nhau giữa Đại diện Toà Thánh và Tổng Giáo phận của Ngài.

Với tư cách Đại diện của Đức Giáo Hoàng, Đấng là trung tâm hiệp nhất trong Giáo Hội, tôi sẽ hết sức vui mừng góp phần vun trồng ý thức hiệp thông giữa Đấng kế vị Thánh Phêrô và Đức Hồng Y, là mục tử mà Chúa Thánh Thần đã chỉ định để hướng dẫn Giáo Hội địa phương ở đây. Đồng thời, tôi hy vọng là khí cụ hiệp thông giữa các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Hội Thánh, cũng như giữa đồng bào Việt Nam.

Xin gửi đến ngài lời cầu chúc cầu nguyện tốt đẹp nhất và lòng kính trọng chân thành.

Leopoldo Girelli

Khâm sứ Toà Thánh

Thư của Đại diện không thường trú của Toà Thánh gửi ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn

Thư của Đại diện không thường trú của Toà Thánh gửi ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn


(Theo website Phạm Minh Mẫn)