Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn : Lời chủ chăn tháng 6 2011


Toà Tổng Giám Mục

Thành phố HCM

1.6.2011

LỜI CHỦ CHĂN

Chuẩn bị cho việc tổ chức Công Nghị Giáo Phận

Chuẩn bị cho việc tổ chức Công Nghị Giáo Phận

Kính gửi anh em linh mục, anh chị em tu sĩ và giáo dân trong giáo phận

TỔ CHỨC CÔNG NGHỊ GIÁO PHẬN

I. Mục đích

1. Đưa tinh thần và nội dung của Thư Chung 2011 vào trong mọi lãnh vực của đời sống và sinh hoạt của giáo phận trong những năm tới.

2. Tạo cơ hội cho mọi thành phần trong gia đình giáo phận ý thức vượt qua khung nếp khép kín do hoàn cảnh xưa nay tạo ra, mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội, hoà nhập vào đời sống văn hoá xã hội, hướng đến chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, vì sự sống mới của gia đình nhân loại cùng đất nước hôm nay.

3. Tạo điều kiện và thúc đẩy mọi thành phần Dân Chúa tham gia Công nghị giáo phận, và cùng nhau tích cực

tham gia vào công cuộc canh tân đổi mới trong thời gian tới, theo như lời kêu gọi của Đại Hội Dân Chúa năm 2010.

II. Chuẩn bị Công nghị giáo phận

1. Ban Tổ chức cấp giáo phận :

Trưởng Ban : Đức Hồng Y Tổng Giám mục giáo phận,

Phó Ban nội vụ: Đức Cha phụ tá Phêrô

Phó Ban ngoại vụ: Cha Tổng Đại diện,

Các thành viên : 3 cha đại diện giám mục đặc trách LM, TS, GD, cha Giám đốc ĐCV, cha Đại diện Tư Pháp, Quản lý giáo phận…

Ban Thư ký : các cha Trưởng Ban Mục vụ giáo phận.

Ban Tổ chức cấp giáo phận họp mặt vào một ngày Thứ Sáu giữa tháng 7, tại Toà TGM, nhằm điều chỉnh, bổ sung, xác định chương trình chuẩn bị Công nghị giáo phận.

2. Ban Tổ chức cấp giáo hạt :

- gồm Cha Hạt trưởng, một linh mục trong hạt, một đại diện giáo dân, một đại diện tu sĩ (nếu cần)…

- lo tổ chức Công nghị giáo hạt trong tháng 9 : Dựa vào Thư Chung cùng các câu hỏi, mỗi giáo hạt tổ chức gặp gỡ, trao đổi, góp ý canh tân đổi mới, và đề cử đại diện dự Công nghị giáo phận…

- Các dòng tu và tu hội, các tổ chức tông đồ giáo dân, mỗi đơn vị cũng tổ chức tương tự như vậy.

- Ban Tổ chức cấp giáo phận và cấp giáo hạt cùng họp mặt chung vào Thứ Ba cuối tháng 7, tại Toà TGM, nhằm xác định và phối hợp chương trình chuẩn bị Công Nghị giáo hạt.

3. Ban Thư ký Công nghị:

- Trưởng Ban : cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền

- Phó Ban : cha Trưởng Ban đề nghị

- các thành viên : các linh mục Trưởng Ban Mục vụ giáo phận, một số linh mục chuyên viên Thân Học, Kinh Thánh, Giáo Luật, Mục vụ…

Nhiệm vụ :

- Giới thiệu Thư Chung cho mọi thành phần Dân Chúa trong từng giáo hạt. (Ban Tổ chức mỗi hạt điều hành, mời Ban Thư Ký về giới thiệu và trình bày)

- Dựa trên Thư Chung, biên soạn những câu hỏi để mọi người đưa ra những đề nghị cụ thể cho Công nghị giáo phận.

( Cần gửi Thư Chung cùng các câu hỏi trước 15.8

- đến các linh mục trong 15 giáo hạt : linh mục chánh xứ, phụ tá, nghỉ hưu…

- đến 58 dòng tu và tu hội (qua VP Tu sĩ)

- đến các tổ chức mục vụ giáo xứ : HĐGX, GLV, Ca đoàn (qua ông Trà và Ban Đại diện giáo dân)

- đến các tổ chức tông đồ giáo dân : 25 đoàn thể và giới (qua ông Nghĩa và Ban Đại diện các đoàn thề)

- Các Ban Mục vụ giáo phận suy nghĩ và góp ý cho việc triển khai Thư Chung trong lãnh vực mục vụ của mình…

4. Lịch làm việc :

- Tháng 6 và 7 : – Ban Thư Ký biên soạn và hoàn chỉnh các câu hỏi cho mọi thành phần Dân Chúa.

- Mỗi giáo hạt hình thành Ban Tổ chức công nghị cấp giáo hạt, cùng nhau nghiên cứu Thư Chung, chuẩn bị tiến hành Công nghị giáo hạt trong tháng 9.

- Thánh 8 : phổ biến các câu hỏi cho các linh mục, cho các tu sĩ.

GC. Rất nhiều đề nghị trong Thư Chung liên quan đến đời sống và tác vụ linh mục,người lãnh đạo cộng đoàn, đồng thời các linh mục đóng vai trò rất quan trọng trong việc học hỏi, trao đổi, góp ý cho Công nghị, vì thế các linh mục cần nắm rõ nội dung cũng như phương pháp làm việc.

- Tháng 9 : – phổ biến rộng rãi cho mọi thành phần Dân Chúa trong các giáo hạt (qua hình thức giới thiệu Thư Chung và các câu hỏi, mời gọi góp ý)

- mỗi giáo hạt tổ chức những buổi giới thiệu Thư Chung cho các đại diện các tổ chức giáo dân

- Ban Thư Ký có thể hỗ trợ bằng việc đến trình bày nội dung và phương hướng làm việc.

- Tháng 10 : Ban Thư Ký đón nhận các ý kiến từ các giáo hạt, và đúc kết các ý kiến để chuẩn bị tài liệu làm việc cho Công nghị.

- Tháng 11 : chuẩn bị gần cho Công Nghị

III. Tiến hành Công Nghị Giáo phận

1. Thời điểm: Thứ Hai 21+22+23+24+T.Sáu 25 tháng 11, 2011, (trước Mùa Vọng) 5 ngày, mỗi ngày từ 8:30 đến 12:00 +cơm trưa. Có thể tổ chức Thánh lễ khai mạc vào chiều Chúa nhật 20.11, tại Toà TGM hoặc tại TT.MV? Và có thể tổ chức lễ bế mạc cùng công bố kết quả 3-4 tuần sau, trước lễ Giáng Sinh, …?

2. Địa điểm: Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận.

3. Thành phần tham dự:

Mỗi đơn vị đề cử 1 đại biểu và 1 dự phòng thay thế khi đại biểu vắng mặt :

- LM : ĐCV, TT.MV, 15 giáo hạt, 16 Ban MV, mỗi đơn vị đề cử 1 đại biểu …………………………… ….: 33

- Số linh mục đã dự Đại Hội Dân Chúa 2010 ………………………………………………………………………….: 5

- Tu sĩ : mỗi dòng tu, tu hội, đề cử 1 đại diện ……………………………………………………………………….. : 58

- Giáo dân : Mỗi tổ chức mục vụ (HĐGX, GLV, Ca đoàn), ở mỗi hạt đề cử một đại biểu ………………: 45

- Mỗi tổ chức tông đồ giáo dân đề cử 1 đại biểu ……………………………………………………….: 25

- Ban Thư Ký và Ban MV Truyền Thông …………………………………………………………………………………. .: 40

( cộng : 206)

- Có thể thêm một số chỉ định, một số khách mời……………………………………………………………………..: …..

IV. Cầu nguyện

Anh chị em rất thân mến,

Bí quyết thành công trong mọi công việc mục vụ trong Giáo Hội là lời cầu nguyện. Để Công nghị giáo phận mang lại kết quả như lòng Chúa mong muốn, đồng thời mang lại nhiều ơn ích như lòng dân mong đợi, xin anh em linh mục cùng anh chị em tu sĩ và giáo dân, trong giai đoạn chuẩn bị lâu dài nầy, hãy chuyên cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần thương ban ơn soi sáng và ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh và ơn đổi mới, giúp cho cộng đồng Dân Chúa cùng nhau bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Đấng Cứu Độ, cùng đồng hành với mọi người anh em đồng bào và đồng loại, hướng đến nguồn sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh, vì sự sống dồi dào và sự phát triển vững bền của Thành phố, vì sự an bình và thịnh vượng của đất nước cùng thế giới hôm nay.

                                                                                                                     Gioan B. Phạm Minh Mẫn                                                Phêrô Nguyễn Văn Khảm

                                                                                                                      Hồng Y Tổng Giám mục                                                                        Giám mục phụ tá


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn cầu nguyện cho Công lý & Hoà bình trong chuyến đi Rôma


Sau khi ĐTC Gioan Phaolô II được phong chân phước, ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn có thực hiện chuyến đi Âu châu và Rôma từ chiều ngày 2 đến 12-5-2011. Phóng viên Website tgpsaigon.net đã xin gặp và phỏng vấn ĐHY như sau:

pham-minh-man

ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn

PV: ĐHY có thể cho chúng con biết mục đích của chuyến đi Âu châu và Rôma vừa qua của ĐHY?

ĐHY: Tôi có những kỷ niệm sâu đậm với Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nên rất muốn tham dự lễ phong Chân phước cho ngài. Tuy nhiên, vì một số lý do, tôi không thực hiện được việc này. Vì thế, ngay khi có thể thu xếp được, tôi đã lên đường để viếng thăm mộ thánh của ngài. Đấy là mục đích thứ nhất. Còn mục đích thứ hai, lớn hơn, bao trùm mục đích thứ nhất, đó là ra đi để gặp gỡ và tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ, tạ ơn Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, cám ơn những nhân vật đã góp phần tích cực cho việc mở rộng cánh cửa hiệp thông cho Giáo Hội Việt Nam.

PV: Xin ĐHY giải thích rõ hơn cụm từ “Mở rộng cánh cửa hiệp thông cho Giáo Hội Việt Nam”?

ĐHY: Sự kiện ĐTGM Girelli, trong tư cách là vị Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, chính thức đến thăm các giáo phận Việt Nam vào cuối tháng tư vừa qua, đã “mở rộng cánh cửa hiệp thông cho Giáo Hội Việt Nam”. Cánh cửa hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu rộng mở, để ánh sáng và luồng gió mát của Chúa Thánh Thần thổi vào nhiều hơn. Đây là điều mà Giáo Hội tại Việt Nam chờ đợi rất lâu.

Tôi đã đến Rôma gặp gỡ ĐHY Etchegaray, ĐHY Law, ĐHY Sepe, ĐHY Diaz để cám ơn các ngài đã tích cực làm cho niềm ước mong trên trở thành hiện thực. Đặc biệt cám ơn Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đấng vẫn nói: “Việt Nam trong trái tim tôi”. Khi còn sống, ngài đã hết lòng với Giáo Hội Việt Nam, và chắc chắn ngài đang cầu bầu để mọi sự tốt đẹp đến với quê hương chúng ta. Trên đường đi, tôi cũng ghé những nơi Đức Mẹ hiện ra như Lộ Đức và Fatima để cám ơn Mẹ. Tôi cũng ghé Nhà kín Lisieux để nói lên niềm tri ân, vì từ nơi này đã phát sinh những tu viện Cát Minh ở Việt Nam, nơi có các nữ tu đêm ngày cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam.

Trong dịp này, tôi cũng đặc biệt cầu nguyện cho nền hoà bình và công lý triển nở trên quê hương đất nước Việt Nam. Và trong lời cầu nguyện này, tôi cũng nghĩ đến chính quyền Việt Nam và muốn nói lên lời cám ơn vì chính quyền đã tiếp đón ĐTGM Girelli rất ân cần niềm nở.

PV: Xin ĐHY giải thích thêm về lời cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình?

ĐHY: Trong Lời Chủ Chăn tháng 5-2011, tôi có nói về việc “Giáo phận thành lập Ban Mục Vụ Công Lý và Hoà Bình, nhằm tạo điều kiện để mọi người đón nhận và chia sẻ quà tặng của Chúa Kitô Phục sinh cho đồng bào và đồng loại”. Vào ngày thứ sáu 13-5-2011, tôi cũng chủ toạ một buổi họp đại diện của các Giáo phận trong Giáo tỉnh Sài Gòn, để góp ý cho Nghị định mới về tôn giáo. Những góp ý này đã được gửi đến các cơ quan hữu trách như là những nỗ lực góp phần cho nền hoà bình và công lý triển nở tốt đẹp trên quê hương Việt Nam yêu dấu. Đây là điều tôi đặc biệt cầu nguyện trong chuyến đi Rôma vừa qua.

PV: Chúng con xin chân thành cám ơn ĐHY đã trả lời những câu hỏi của chúng con. Xin Chúa thương ban cho ĐHY mọi ơn lành của Ngài.


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Giá trị mà sự đau khổ mang lại cho ta


Thứ Sáu sau Chúa Nhật XVIII Thường niên A

Lời Chúa: Mt 16,24-28

24Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? 27″Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. 28Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”

Giá trị của đau khổ

Giá trị của đau khổ

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24)

Suy niệm:

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống kitô hữu, đó là đón nhận khổ đau như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.

Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phận số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước khổ đau mà thôi.

Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực, Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.

Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy đau khổ, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.

Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn sức mạnh nâng đỡ cuộc đời chúng con. Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng con trao vào tay Chúa những gánh nặng của cuộc sống. Chúa mời gọi chúng con hãy can đảm vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Xin giúp chúng con can đảm bước theo chân Chúa với một lòng trung tín, sắt son.

Lạy Chúa, Chúa đã vui lòng đón nhận thập giá đắng cay để cứu chuộc chúng con. Chúa đã chấp nhận chết đi để ban lại cho chúng con sự sống đời đời. Xin dạy chúng con biết sống quảng đại, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, và không chờ một phần thưởng nào khác là biết mình đã làm theo ý Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con hiểu rằng: chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì khi cho đi là lúc chúng con được nhận lãnh để chúng con luôn biết sống thanh thoát và quảng đại cho tha nhân. Amen


(Theo website Phạm Minh Mẫn)

Tân Phúc Âm hoá là đặt Thiên Chúa ở trung tâm đời sống Kitô hữu


Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XIII được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI triệu tập, sẽ diễn ra tại Rôma từ ngày 7 đến 28-10-2012 với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá Đức Tin Kitô giáo”. Ban Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố bản Đề cương (Lineamenta) vào đầu năm nay; đây thực sự là một cuốn cẩm nang về việc tân Phúc Âm hoá và một quảng diễn thật hữu ích và sâu sắc. Như đã biết, ý tưởng này không mới: tân Phúc Âm hoá chính là chủ đề xuyên suốt của cả triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II.

Tân Phúc Âm hoá là đặt Thiên Chúa ở trung tâm đời sống Kitô hữu

Tân Phúc Âm hoá là đặt Thiên Chúa ở trung tâm đời sống Kitô hữu

Đức Gioan Phaolô II thật chí lý khi giải thích cho chúng ta điều ngài muốn nói qua việc đặt tính từ “mới” (tân) trước thuật ngữ truyền thống “Phúc Âm hoá”: mới trong nhiệt huyết, mới trong phương pháp, mới trong cách diễn tả. Để hiểu đúng đắn nội dung Lineamenta, cần có chìa khoá thích hợp khi đọc bản văn này. Trên thực tế, kiểu nói “tân Phúc Âm hoá” đã trở nên phổ biến – thậm chí còn bị lạm dụng – đến mức chúng ta có nguy cơ làm sai lệch ý nghĩa của nó, hoặc tệ hơn, coi nó như một khẩu hiệu vô nghĩa. Cốt lõi của vấn đề tân Phúc Âm hoá là đặt Thiên Chúa ở trung tâm đời sống của chúng ta.

Cả các phong trào của Giáo Hội và các cộng đoàn mới cũng được kêu gọi xét lại ơn gọi và sứ mệnh của mình theo viễn tượng này, nghĩa là nghiêm túc phản tỉnh về căn tính của mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, những thực tại mới của Giáo Hội đã cho thấy có thể khơi lên mối quan tâm về truyền giáo vốn có nơi nhiều người, đặc biệt là các giáo dân, mối quan tâm mà thậm chí họ không biết rằng mình đang có.

Hiểu biết tiền đề này là tuyệt đối cần thiết đối với chủ đề tân Phúc Âm hoá, để không khai thác các yếu tố đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban tặng trong Giáo Hội ngày nay. Chúng ta thường quá mong đợi nơi các đặc sủng ấy “các phương thức” đẹp đẽ dọn sẵn cho việc tân Phúc Âm hoá thay vì chúng ta nên cầu xin ơn ấy để luôn là cộng tác viên của Chúa Thánh Thần hầu trở nên người Kitô hữu đích thực.

Trên thực tế, lời kêu gọi tân Phúc Âm hoá đòi hỏi một cách thức mới trở nên người Kitô hữu, một cách thức mới trở nên Giáo Hội, “mới” ở đây tức là mô hình theo Tin Mừng như thấy trong sách Công vụ các Tông đồ, là sức mạnh của Chúa Thánh Thần đổi mới toàn thể cộng đồng Kitô giáo.

Hồng y Stanisław Ryłko,

Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân

(Nguồn: OR, trong news.va, 2-08-2011)

Phan Vinh chuyển dịch


(Theo website Phạm Minh Mẫn)